loading...
29-12-2011 09:41

Một số quan niệm sai lầm về nghề bán hàng

 

Bán hàng là một công việc không thể thiếu trong bất cứ hoạt động kinh doanh, thương mại nào. Tuy vậy, phần lớn các chủ công ty nhỏ ngày nay không phải là người có kinh nghiệm về lĩnh vực này, trong khi số ngân sách dành cho việc tuyển dụng các chuyên gia bán hàng siêu hạng lại khá eo hẹp.

1

Chỉ những người mồm mép mới có thể bán được hàng.

Trên thực tế, những người ăn nói nhanh nhảu thường không phải là người bán hàng thành công. Những lời lẽ trơn tru, khôn khéo của họ có thể gây ra tai tiếng không mấy tốt đẹp, bởi vì khách hàng của họ có thể cảm thấy một sức ép nào đó, sự thiếu trung thực, thiếu sự quan tâm và thiện chí. Một người bán hàng biết lắng nghe sẽ có được doanh số bán hàng cao hơn so với một người nói hết phần người khác. Trong vị trí một người bán hàng, khi bạn không chú ý lắng nghe, bạn sẽ không thể biết được thông tin về cá nhân khách hàng, về công ty và về những ưu tiên của họ. Bạn cũng sẽ không thể nắm bắt được các nhu cầu, mong muốn hoặc những vấn đề khách hàng còn băn khoăn, do vậy các cơ hội bán được hàng của bạn cũng sẽ giảm dần với thời gian.

2

Hoạt động bán hàng là cuộc chơi của những con số

Dựa trên những biểu hiện bên ngoài thì hoạt động bán hàng thực sự là cuộc chơi của những con số - bạn càng làm việc chăm chỉ bao nhiêu, bạn sẽ càng kiếm được nhiều tiền bấy nhiêu. Người quản lý bộ phận bán hàng luôn bị ám ảnh bởi những con số: bao nhiêu cuộc điện thoại cần gọi, có bao nhiêu khách hàng mới, bao nhiêu cuộc hẹn, doanh số bán hàng trong tháng này là bao nhiêu... Nhân viên bán hàng phải điền và bàn giao hàng núi các biểu mẫu vào cuối mỗi ngày làm việc. Đó chính là cách các công ty giám sát hoạt động của bộ phận bán hàng của mình. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy rằng công việc bán hàng liên quan đến con người nhiều hơn là các con số và nó giống một cuộc chơi trí tuệ hơn là trò chơi cờ bạc. Việc bán hàng cũng có mối liên hệ mật thiết với các nghiên cứu, thông tin và giao tiếp thương mại. Quả thật, bán hàng không phải là cuộc chơi của những con số.

3

Sự thăng trầm trong bán hàng là không thể tránh khỏi

Công việc bán hàng sẽ thăng tiến đều đặn và ổn định, nếu bạn biết tuân thủ một quy trình làm việc hợp lý, thay vì áp dụng các phương hướng chưa được kiểm chứng nào đó. Sự thăng trầm trong hoạt động bán hàng chỉ xuất hiện khi bạn không có các mục tiêu cụ thể. Hầu như tất cả các ngành công nghiệp đều rất dễ gặp phải tổn thất vì sự biến đổi theo thời vụ. Cũng như nhiều yếu tố không thuận lợi khác, các biến đổi này thể thể tránh được nhờ việc lên kế hoạch một cách chuẩn xác.

Cho dù mọi người xung quanh bạn có nói gì đi nữa, thì không có một thời điểm nào được coi là thực sự tồi tệ cả. Luôn có những cơ hội mới dành cho người có đủ quyết tâm tìm kiếm chúng. Bạn thử hình dung một kịch bản như sau: trong khi các công ty than phiền về việc có quá nhiều người xin nghỉ phép để đi nghỉ mát trong tháng bảy, thì bạn hãy nằm trong số những người vẫn ở lại làm việc. Như thế bạn vẫn đảm bảo doanh thu, lại có thêm cơ hội tiếp xúc với nhiều khách hàng tiềm năng, chưa kể bạn sẽ có thêm điểm cộng khi công ty thăng chức hay tăng lương cho nhân viên.

4

Trong bán hàng, một lần khách hàng bác bỏ hay từ chối là một lần chúng ta cảm thấy mình thấp kém

Trong số hàng triệu nhân viên bán hàng chuyên nghiệp trên toàn thế giới, chắc chắn rằng mỗi người trong số họ đều đã được nghe câu nói: Không, cảm ơn! nhiều hơn bất cứ người nào khác nào khác được nghe. Nếu họ đón nhận điều này với ý nghĩ rằng như thế là bản thân họ có phần thấp kém hơn mọi người, thì chắc chắn chúng ta sẽ cần đến những bác sỹ tâm thần đặc biệt chỉ để phục vụ cho cái tôi cá nhân méo mó của những nhân viên bán hàng.

Sự phủ nhận chỉ thực sự là điều tồi tệ, nếu bạn quyết định rằng sẽ không hỏi học bất cứ điều gì từ các tình huống tương tự. Kinh nghiệm cho thấy mỗi lần khách hàng từ chối là một lần bạn có cơ hội mới để phát huy kỹ năng bán hàng của mình.

5

Bán hàng là một nghề nghiệp không có tương lai với rất ít cơ hội thăng tiến.

Bạn có biết rằng 85% các nhà lãnh đạo và chủ doanh nghiệp ngày nay đã từng là nhân viên bán hàng? Họ đã từng trực tiếp mang sản phẩm mẫu hay gọi điện thoại để chào hàng và giới thiệu về sản phẩm, cũng như đã từng phải đương đầu với sự lạnh nhạt và phản đối từ phía khách hàng. Ngày nay, phần lớn trong số họ đang ở vị trí vị chủ tịch, CEO hoặc giữ những chức vụ quản trị cao cấp khác. Bán hàng quả là một công việc chỉ có thể dẫn đến ngõ cụt, nếu bạn nhìn nhận rằng sự kết thúc này chính là chiếc ghế lãnh đạo của một công ty hay tập đoàn nào đấy.

"Làm dâu trăm họ" là câu thành ngữ miêu tả trung thực sự khó khăn của công việc bán hàng và tiêu thụ sản phẩm ngày nay. Bạn hãy tránh xa các quan niệm sai lầm trên và tạo ra những bước đột phá mới trong hoạt động bán hàng của mình, bởi đó chính là một vũ khí lợi hại giúp bạn thành công khi lấy được những đồng tiền từ túi của khách hàng về cho công ty của bạn.

Chia sẻ:
Từ khóa:
loading...

Bình luận