loading...
18-06-2012 10:51

Một số bệnh ngoài da mùa hè

 

Với khí hậu nắng nóng, ẩm ướt của mùa hè tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, côn trùng, ký sinh trùng phát triển... Đây cũng là cơ hội để một số bệnh da có cơ hội phát triển hơn trong mùa này. Sau đây là một số bệnh ngoài da thường gặp và cách phòng tránh.

1

Rôm sảy

Là một trong những bệnh da phát triển khi thời tiết nóng bức với biểu hiện nổi nhiều đốm đỏ li ti gây ngứa mạnh ở các vùng ra nhiều mồ hôi như lưng, ngực, trán, cổ... Nguyên nhân là do thời tiết nắng nóng làm giãn các mao mạch trên da, tạo điều kiện cho các vi khuẩn xâm nhập gây nên hiện tượng viêm da (hay rôm sảy) và cũng chính thời tiết nóng bức thường gây tiết mồ hôi nhiều. Nếu mồ hôi không thoát hết sẽ gây ứ đọng trong các ống bài tiết trên da, các ống này bị bụi hay chất cặn bã bịt kín gây nổi các nốt viêm.

Rôm sảy xuất hiện ở mọi đối tượng, tuy nhiên, thường xuất hiện ở trẻ nhỏ do trẻ em có làn da mỏng và nhạy cảm hơn. Đa số trẻ chỉ bị rôm sảy khi nóng, còn khi thời tiết mát mẻ, rôm tự lặn hết không gây tác hại gì. Nhưng cũng có nhiều trẻ ít được chú ý tắm rửa, mụn rôm làm trẻ ngứa, gãi nhiều làm da sây sát, bị nhiễm khuẩn thêm thành những mụn mủ và nhọt.

Bệnh chữa trị đơn giản bằng cách giữ da sạch thoáng vào các ngày hè. Kinh nghiệm dân gian dùng mướp đắng giã nát pha với nước hoặc vò nát  (giã) kinh giới, hay sài đất với nước... rồi dùng nước này để tắm có tác dụng làm sạch da. Ngoài ra, có các loại phấn thuốc, phấn rôm, thuốc bôi, nhằm duy trì độ sạch của da, cản bụi nhằm phòng ngừa rôm sảy.

2

Bệnh chốc

Bệnh chốc lây do liên cầu, thường gặp ở trẻ em, có khi ở cả người lớn ở vùng đầu mặt sau có thể lan ra thân mình, tay chân. Tổn thương là bọng nước vài mm, bùng nhùng sau vài giờ thành mụn mủ rồi vỡ thành chợt đỏ nông, đóng vẩy tiết vàng kiểu mật ong rồi lành. Dịch mủ chảy ra có thể lây lan ra vùng khác. Một số trường hợp có biến chứng cầu thận cấp.

Cần chấm rửa vết thương bằng dung dịch berberin 1%o, nước lá chè tươi, bôi dung dịch xanh-methylen 1% hoặc tím metin 1%, hoặc betadin. Khi thương tổn đã khô chuyển sang bôi thuốc mỡ kháng sinh như tetraxyclin, fucidin, bactroban. Uống một đợt kháng sinh (nếu cần) để bệnh nhanh khỏi và tránh những biến chứng nguy hiểm như viêm cầu thận.

3

Đinh nhọt

Căn nguyên do tụ cầu vàng độc tính cao gây viêm toàn bộ nang lông. Nang lông bị hoại tử tạo thành “ngòi”. Biểu hiện lâm sàng là một khối đỏ viêm sưng tấy (1-5cm đường kính), đau, ban đầu cứng, sau mềm dần hoá mủ, tạo ngòi. Sau 8-10 ngày vỡ mủ thoát ngòi rồi lành sẹo. Triệu chứng toàn thân có khi sốt, mệt mỏi nhất là khi nhọt to hoặc nhiều nhọt.

Ở giai đoạn u tấy đỏ đau còn cứng chấm cồn iod 5% (chú ý không chích nặn sớm), uống hoặc tiêm kháng sinh tuỳ mức độ. Đến khi hoá mủ hoàn toàn chích nặn mủ ngòi để nhọt mau lành. Uống kháng sinh và thay băng đến khi lành.

Cần lưu ý nhọt ở vùng cằm mép gọi là “đinh râu” rất nguy hiểm dễ gây nhiễm khuẩn huyết không được chích nặn, chấm cồn iod 3-5%. Tiêm, uống kháng sinh liều cao và theo dõi chặt chẽ.

"Hậu bối" là cụm đinh nhọt có nhiều mủ, nhiều ngòi và có quá trình hoại tử phần mềm, thường ở người già yếu, suy giảm miễn dịch, đám tổn thương có đường kính từ 5-15cm, viêm tấy đỏ, có nhiều mủ, nhiều ngòi về sau hoại tử, có nguy cơ nhiễm khuẩn huyết, cần đi khám tại bệnh viện. Dùng kháng sinh liều cao và phối hợp kháng sinh, thay băng hàng ngày.

Chia sẻ:
Từ khóa:
loading...

Bình luận